Thứ năm, 24/07/2025 | 20:48 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 22:09, 22/07/2025

Trồng lúa mùa nổi 'thuận thiên' để xuất ngoại

TÂY NINH Nông dân Tây Ninh ký kết mở rộng 112 hecta lúa mùa nổi canh tác theo hướng 'thuận thiên', thúc đẩy sản xuất bền vững và xuất khẩu sản phẩm thân thiện với môi trường.

Từ những cánh đồng trũng giáp biên giới Campuchia, mô hình canh tác lúa mùa nổi đang được hồi sinh và lan tỏa mạnh mẽ tại Tây Ninh. Sự kiện ký kết liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa mùa nổi giữa Tập đoàn Khải Nam và các hộ dân Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Lúa mùa nổi là bước tiến mới, không chỉ giúp ổn định đầu ra cho nông dân mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Lúa mùa nổi trồng tại tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lúa mùa nổi trồng tại tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Giải pháp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL” (CRxN Mekong) do WWF-Việt Nam (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam) triển khai với mục tiêu phát triển mô hình nông nghiệp hài hòa giữa lợi ích sinh kế, bảo tồn môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lúa mùa nổi chinh phục thị trường châu Âu

Tại lễ ký kết, Công ty Lúa mùa nổi AMANA – đơn vị thành viên của Tập đoàn Khải Nam đã chính thức hợp tác với các nông hộ ở hai xã Tân Hưng và Vĩnh Châu (tỉnh Tây Ninh) thông qua HTX Dịch vụ Lúa mùa nổi. Theo hợp đồng liên kết năm 2025, toàn bộ sản lượng lúa mùa nổi trên diện tích 112 hecta, trong đó có 96 hecta tại Vĩnh Châu và 16 hecta tại Tân Hưng sẽ được bao tiêu với giá ổn định 15.000 đồng/kg.

Việc mở rộng quy mô sản xuất là kết quả từ thành công ở vụ mùa năm 2024 khi những sản phẩm chế biến từ lúa mùa nổi như mì, phở… đã chính thức thâm nhập được vào thị trường Đức và xuất hiện trên kệ hàng của hệ thống siêu thị Longdan - chuỗi bán lẻ hàng Việt lớn nhất tại Anh. Điều này cho thấy không chỉ là cây trồng truyền thống, lúa mùa nổi còn sở hữu tiềm năng lớn khi kết hợp cùng chiến lược xây dựng thương hiệu và chế biến sâu, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế.

HTX Dịch vụ Lúa mùa nổi, đại diện các hộ nông dân cùng Tập đoàn Khải Nam ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa mùa nổi năm 2025. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

HTX Dịch vụ Lúa mùa nổi, đại diện các hộ nông dân cùng Tập đoàn Khải Nam ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa mùa nổi năm 2025. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trương Linh Ân – Tổng Giám đốc Tập đoàn Khải Nam khẳng định: “Lúa mùa nổi không chỉ là nguyên liệu mà là biểu tượng của văn hóa nông nghiệp thuận thiên ở ĐBSCL. Thành công ở thị trường châu Âu cho thấy người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm gắn với câu chuyện bảo vệ môi trường và giá trị bền vững”.

Không chỉ cam kết thu mua với giá cao, Khải Nam còn đồng hành cùng nông dân từ khâu kỹ thuật đến hậu cần. Các hộ dân tham gia liên kết sản xuất được hướng dẫn canh tác không sử dụng phân, thuốc hóa học, bảo đảm điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ, từ đó tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường.

Ông Nguyễn Ngọc Điền – Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ Lúa mùa nổi chia sẻ: “Từ khi hợp tác với Khải Nam, bà con yên tâm sản xuất. HTX không chỉ được bao tiêu sản phẩm mà còn được hỗ trợ toàn diện từ kỹ thuật đến kết nối thị trường. Bà con rất phấn khởi vì sản phẩm mình làm ra không chỉ mang lại thu nhập tốt mà còn có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường quốc tế”.

Phục hồi mô hình canh tác thuận thiên vùng đất ngập nước

Lúa mùa nổi vốn là giống lúa truyền thống gắn bó với chu trình tự nhiên của vùng lũ ĐBSCL. Mỗi năm, khi mùa nước nổi về, những cánh đồng vùng giáp biên giới An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh trở thành các “hồ chứa” tự nhiên, giữ nước lũ, giảm ngập hạ lưu, bổ sung nước ngầm, đồng thời mang theo lượng phù sa màu mỡ. Cũng chính nhờ lớp phù sa này mà nông dân có thể giảm hoặc không cần dùng phân bón hóa học - một lợi thế lớn trong sản xuất hữu cơ.

Nông dân xã Vĩnh Châu, tỉnh Tây Ninh phấn khởi khi thu hoạch lúa mùa nổi trong mô hình canh tác thuận thiên liên kết với Tập đoàn Khải Nam và WWF. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân xã Vĩnh Châu, tỉnh Tây Ninh phấn khởi khi thu hoạch lúa mùa nổi trong mô hình canh tác thuận thiên liên kết với Tập đoàn Khải Nam và WWF. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mô hình canh tác lúa mùa nổi vì thế không chỉ góp phần tái tạo đất đai, nâng cao chất lượng nông sản mà còn tạo ra hệ sinh thái đất ngập nước khỏe mạnh, môi trường sống lý tưởng cho các loài thủy sản và chim nước bản địa. Đây là yếu tố quan trọng giúp phục hồi đa dạng sinh học vốn đang bị suy giảm nghiêm trọng tại khu vực.

Ông Huỳnh Quốc Tịnh – Giám đốc Chương trình Nông nghiệp và Lương thực Thực phẩm bền vững của WWF-Việt Nam đánh giá: “Mô hình liên kết giữa Khải Nam và nông dân Tây Ninh là ví dụ điển hình cho giải pháp thuận thiên trong nông nghiệp. Không chỉ giúp cải thiện sinh kế, mô hình còn thúc đẩy khả năng phục hồi của cộng đồng, đồng thời bảo vệ môi trường và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu”.

WWF cam kết tiếp tục hỗ trợ mở rộng mô hình ra nhiều tỉnh vùng ngập nước ĐBSCL, hướng đến hình thành vùng sản xuất tập trung, tiêu chuẩn cao và có thể truy xuất nguồn gốc minh bạch - điều kiện tiên quyết để chinh phục các thị trường khó tính như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản.

Khẳng định vai trò nông nghiệp có trách nhiệm

Sự kiện ký kết hợp đồng liên kết giữa Tập đoàn Khải Nam và HTX Dịch vụ Lúa mùa nổi không chỉ mang ý nghĩa kinh tế trước mắt cho hơn 100 hộ dân Tây Ninh mà còn đánh dấu bước tiến lớn trong tư duy phát triển nông nghiệp từ sản xuất thô, giá trị thấp sang mô hình nông nghiệp có trách nhiệm.

Sản phẩm của Tập đoàn Khải Nam được chế biến từ lúa mùa nổi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sản phẩm của Tập đoàn Khải Nam được chế biến từ lúa mùa nổi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bằng việc tập trung vào chuỗi giá trị từ giống lúa truyền thống, kỹ thuật canh tác thuận thiên, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu đến kết nối thị trường quốc tế, mô hình của Khải Nam đang mở ra con đường bền vững cho ngành lúa gạo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình theo hướng xanh hóa và tuần hoàn.

Sự đồng hành của các tổ chức như WWF cùng vai trò điều phối, kết nối từ doanh nghiệp tiên phong như Khải Nam sẽ là động lực để mở rộng và nhân rộng mô hình này trên khắp ĐBSCL, nơi đang chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu nhưng cũng chính là nơi có tiềm năng tái sinh mạnh mẽ từ những giải pháp thuận thiên.

“Sự kiện ký kết không chỉ đảm bảo một vụ mùa bội thu cho nông dân Tây Ninh mà còn mở ra một chương trình nông nghiệp bền vững mới”, ông Trương Linh Ân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Khải Nam kỳ vọng.

Dự án “Giải pháp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL" đặt mục tiêu dài hạn là khôi phục vùng đồng bằng ngập lũ nhằm khôi phục hệ sinh thái và đa dạng sinh học ở vùng thượng lưu ĐBSCL. Trên cơ sở đó giúp chống chịu lại xu hướng lũ thấp và muộn do biến đổi khí hậu và phát triển cơ sở hạ tầng ở thượng nguồn.

Dự án sẽ chỉ ra các quan điểm dựa trên cơ sở thuận thiên để hỗ trợ việc xây dựng chính sách về quản lý lũ lụt, đồng thời vẫn giúp nông dân có thu nhập. 

Lê Hoàng Vũ - Minh Đãm

Nông nghiệp Đà Nẵng chuyển mình sang hướng hữu cơ

Nông nghiệp Đà Nẵng chuyển mình sang hướng hữu cơ

Đà Nẵng sẽ hình thành 4 vùng sản xuất hữu cơ tập trung, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm.

Lạc lối giữa nông trại cam trù phú xứ Thanh

Lạc lối giữa nông trại cam trù phú xứ Thanh

THANH HÓA 'Tôi làm trang trại để cho tâm mình thanh thản và vì đam mê. Nhiều hôm không cần ăn cơm, chỉ cần ngồi ngắm vườn cam là no bụng rồi', anh Chung nói vui.

Sản Việt Farm - điểm sáng nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn kết hợp du lịch

Sản Việt Farm - điểm sáng nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn kết hợp du lịch

KHÁNH HÒA Sản Việt Farm là trang trại nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn kết hợp với du lịch nông nghiệp và lồng ghép văn hóa bản địa.

Chuyển động nông nghiệp hữu cơ vùng tây Gia Lai: Lan tỏa ở vùng biên

Chuyển động nông nghiệp hữu cơ vùng tây Gia Lai: Lan tỏa ở vùng biên

Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ đang là quyết tâm cao của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương cũng như nông dân, doanh nghiệp ở các xã phía tây tỉnh Gia Lai.

Xem Thêm